Nghệ thuật sân khấu Kabuki của Nhật Bản là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống tương tự như Chèo, Tuồng ở Việt Nam. Nếu dịch sát nghĩa tiếng Nhật của ba chữ 歌舞伎 là “Ca Vũ Kỹ” thì Kakubi chính là “Kỹ năng múa hát”
Mục lục
Tiểu sử người sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu Kabuki
Okuni sinh ra và lớn lên ở gần một ngôi đền có tên gọi là Izumo; nơi cha cô làm nghề thợ mộc và những người thân trong gia đình làm việc ở đó. Khi lớn lên Okuni cũng vào đền làm việc với tư cách là một Miko; có nghĩa là cô gái trẻ phục vụ trong đền thờ đạo Shinto. Cô dần nổi tiếng không chỉ về múa đẹp, biểu diễn giỏi mà còn được biết đến cả về sắc đẹp của mình nữa. Theo phong tục thời kì đó, pháp sư, Miko, và những người khác làm việc trong đền luôn muốn cống hiến cho đền thờ sẽ được đi tới Kyoto để biểu diễn các điệu múa và bài hát linh thiêng phục vụ cho thần linh.

Khi lên Kyoto, với những màn trình diễn xuất sắc của mình; cô nổi danh với những điệu múa cách tân trong biểu diễn. Đó là điệu múa Nembutsu, điệu múa ngợi ca Phật A Di Đà. Điệu múa này được biết đến vì vẻ đẹp có tính nhục cảm; và có những ám chỉ bóng gió về tình dục. Cùng với việc thể hiện điều đó trong những điệu múa và vở kịch; cô thu được nhiều sự chú ý và bắt đầu thu hút một lượng lớn khán giả đến xem. Ngay lúc đó, cô bị gọi về lại đền thờ nhưng cô không quan tâm đến việc trở về; tuy nhiên cô vẫn đều đặn gửi tiền về cho các hoạt động trong đền thờ.
Sáng lập ra nghệ thuật sân khấu Kabuki
Đến khoảng năm 1603, Okuni thành lập một gánh hát ở vùng Shijougawara, sông Kamo. Gánh hát tập hợp những người vô gia cư hay những kẻ có địa vị xã hội thấp; những kẻ đã bị gắn liền với cái tên Kabukimono. Kabuki xuất phát từ động từ Kabuku; có nghĩa là: dựa vào hướng nào đó. Mono có nghĩa là người. Okuni dạy cho những người trong gánh hát cách diễn xuất, múa, hát một cách tự nhiên. Và bà đặt tên cho đoàn kịch của mình là Kabuki.
Những buổi biểu diễn ban đầu; đoàn kịch chỉ có múa và hát mà không có cốt truyện chính, nội dung cụ thể. Vì vậy, nó bị một số người coi rẻ vì sự lòe loẹt, chói tai. Nhưng nói một cách công bằng thì những buổi biểu diễn ấy nó cũng được tán dương vì tính công phu và cầu kì trong vẻ đẹp hóa trang và màu sắc sặc sỡ của trang phục, sân khấu.
Bản thân Okuni yêu cầu các nam diễn viên trong đoàn kịch đóng giả vai nữ; và ngược lại nhưng chính cô lại đóng vai của cả hai vai nam, nữ. Đặc biệt, cô nổi tiếng nhất với vai diễn Samurai và nhân vật cha xứ. Trong các lần biểu diễn, có một lần trong lúc nhập vai cô gái làng chơi; Okuni đã thể hiện một cách thái quá với những hành động kỳ quặc khiến cho người xem phải lúng túng vì nó mang tính chất nhạy cảm. Ngay lập tức, những cô gái làng chơi chuyên nghiệp thời kỳ đó liền bắt chước những hành động thái quá mà Okuni đã biểu diễn và xem cô như một thần tượng.
Chính thức trở thành một môn nghệ thuật sân khấu
Về sau, với sự tài trợ của Ujisato Sanzaburou, người giúp đỡ cho Okuni về phương diện tài chính cũng như nghệ thuật; những màn trình diễn của đoàn kịch đã chính thức trở thành một môn kịch có tên gọi là Kabuki. Theo như cách diễn giải của một số tài liệu thì: Kabuki được đọc theo âm Hán – Việt là ca vũ kỹ. Ca có nghĩa là hát, vũ có nghĩa là múa, kỹ có nghĩa là kỹ năng.
Theo đó đôi khi Kabuki cũng được dịch là nghệ thuật múa hát. Tuy nhiên nếu xét theo loại chữ phụ thuộc vào cách phát âm mà không phụ thuộc vào các ký tự cấu thành lên nó thì nó sẽ không giải thích được đúng nghĩa từ nguyên gốc. Từ Kabuki cũng có thể bắt nguồn từ động từ Kabuku; có nghĩa là “tựa vào” hay là “chống vào”, “dựa vào”. Nếu hiểu theo nghĩa của sân khấu thì nó có nghĩa là “tiên phong, đi trước” hay là “dị thường”.

Về mặt riêng tư, người ta nói rằng; Sanzaburou là người tình của Okuni, mặc dù họ không kết hôn với nhau. Sau khi Sanzaburou chết, bà vẫn tiếp tục phát triển Kabuki; tiếp tục kết hợp và phát triển giữa kịch nghệ với âm nhạc và các điệu múa. Cứ như thế, sự nổi tiếng của bà và đoàn kịch Kabuki đã lan rộng khắp nước Nhật cùng với những nghệ thuật biểu diễn do bà sáng tạo ra.
Okuni và nghệ thuật sân khấu Kabuki những năm sau đó
Okuni lui về nghỉ hưu năm 1610, rồi từ đó lặng thinh, không thấy bà xuất hiện trên các sân khấu nữa. Có rất nhiều người và các đoàn kịch khác đã có các hoạt động bắt chước theo Kabuki. Đặc biệt, ở các nhà chứa còn tổ chức các buổi biểu diễn mang tính bắt chước này để làm trò vui thích, giải trí cho những vị khách giàu có. Họ cũng tiếp nhận những cô gái có khả năng múa hát và diễn xuất để họ có thể biểu diễn trên sân khấu kiêm thêm nghề gái điếm.
Từ những điều đó, các loại hình biểu diễn Kabuki lúc bấy giờ nhanh chóng cuốn hút những loại khán giả hủ bại; và lôi cuốn sự chú ý của rất nhiều đàn ông. Những người trân trọng và yêu quý nghệ thuật Kabuki cũng như chính quyền chức sắc không vừa lòng với loại thu hút cách cảm nhận lệch lạc về nghệ thuật. Họ cảm thấy như thể phụ nữ đã làm mất đi cái phẩm giá của nghệ thuật Kabuki. Cho nên đến năm 1629, phụ nữ bị cấm diễn xuất Kabuki và bất kì một hình thức sân khấu nào khác.
Nói về Okuni, có vài thuyết nói về khoảng thời gian bà qua đời; có thuyết nói rằng bà mất năm 1613, số khác lại cho rằng con số 1658 mới chính xác. Năm 2003, một tượng đài được dựng lên để tôn vinh và tưởng nhớ đến công ơn của bà; trên đường Kawabata, ở phía Bắc Shijou Ouhashi, gần bờ sông Kamo ở Kyoto.
Những thông tin trên được trích từ bài nghiên cứu Tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu Kabuki của Nhật Bản do bạn Trần Thị Thu Vân (Trường ĐH Lạc Hồng) thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Đoàn Lê Giang.)
________________________________________________________
NHẬT NGỮ SHIZEN – KẾT SỨC MẠNH NỐI THÀNH CÔNG
Địa chỉ: 1S Dân Chủ, phường Bình Thọ, Thủ Đức, TPHCM
Hotline: 028-7109-9979
FaceBook: Nhật Ngữ Shizen